Quỹ đầu tư mạo hiểm Hàn Quốc tìm đường vào Việt Nam

Quỹ đầu tư mạo hiểm Hàn Quốc tìm đường vào Việt Nam

Với sự bùng nổ của các start-up, Việt Nam đang được xác định là đích ngắm tiếp theo tại thị trường Đông Nam Á của KVIC - tập đoàn đầu tư mạo hiểm lớn nhất Hàn Quốc. 

Sau sự xuất hiện của hàng loạt quỹ đầu tư mạo hiểm tầm cỡ như IDG Ventures, CyberAgent Ventures, Captii Ventures, Gobi Partners, 500 Startups..., KVIC đang là cái tên tiếp theo manh nha ý định tiến vào thị trường còn non trẻ của Việt Nam.

KVIC là tập đoàn chuyên hoạt động trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm, là một trong những quỹ đầu tư lớn nhất Hàn Quốc, với số vốn lên đến 3.400 tỷ won. KVIC đã len chân vào hàng loạt thị trường hàng đầu trong khu vực, như Trung Quốc, Singapore, Indonesia…

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng (bên phải) tiếp ông Sang-Soo Kim, Giám đốc khu vực Đông Nam Á KVIC

Mới đây, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của KVIC đã có chuyến sang thăm và làm việc với lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Quỹ Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (SMESF). Động thái này cho thấy, thị trường Việt Nam nhiều khả năng sẽ là điểm đến mới trong chiến lược mở rộng quy mô của tập đoàn này.

Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, ông Sang-Soo Kim, Giám đốc khu vực Đông Nam Á KVIC hứa hẹn, thời gian tới, KVIC sẽ tăng cường hợp tác chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng và Việt Nam nói chung. “KVIC sẽ cử chuyên gia để hỗ trợ trong việc xây dựng quy chế nội bộ về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời, chúng tôi đang xem xét đầu tư vào thị trường đầu tư mạo hiểm của Việt Nam thông qua hoạt động hợp tác với SMESF”, ông Sang-Soo Kim cho biết.

KVIC là tập đoàn quản lý chuyên ngành trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm của Quỹ Fund of Funds (FOF) của Hàn Quốc, ra đời từ năm 2005. Tính đến hết 2017, FOF có sự tham gia của nhiều tổ chức tư nhân và cơ quan chính phủ của Hàn Quốc với số vốn lên đến 3.400 tỷ won.
Đặt kỳ vọng về sự hợp tác nhằm xây dựng hệ sinh thái đầu tư mạo hiểm lành mạnh và phát triển tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng đề nghị phía KVIC có những chia sẻ, hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng khung khổ pháp lý cho đầu tư khởi nghiệp sáng tạo cũng như các lĩnh vực tiềm năng được Chính phủ Việt Nam định hướng ưu tiên phát triển, như nông nghiệp công nghệ cao; công nghệ thông tin, công nghệ hỗ trợ; điện tử, cơ khí, sản xuất vật liệu…

Theo đó, trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn sẽ ưu tiên phát triển công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa và các công nghệ mới trong sản xuất máy, thiết bị, chất phụ gia, phụ trợ cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và máy chế biến thực phẩm…

Trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghệ hỗ trợ, dành ưu tiên cho phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, sản xuất phần mềm, sản xuất nội dung thông tin số, sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm…

Trong sản xuất điện tử, cơ khí, sản xuất vật liệu, ưu tiên phát triển sản xuất ô tô, phụ tùng ô tô, sản xuất phụ kiện, linh kiện điện tử, cụm chi tiết điện tử.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Hoàng Thị Hồng, Giám đốc SMESF kỳ vọng cao vào sự hợp tác giữa KVIC và SMESF. Hai bên đã thống nhất sẽ tiếp tục phối hợp và đề xuất các nội dung chi tiết hơn trong việc hợp tác, tiến tới ký kết Biên bản ghi nhớ về chiến lược hợp tác giữa lãnh đạo cấp cao hai bên.

“Sự hợp tác với KVIC sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. KVIC có đầy đủ tiềm lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm để có thể xây dựng và tạo sự đột phá cho hệ sinh thái khởi nghiệp còn non trẻ tại Việt Nam”, bà Hồng nói.

Theo baodautu.vn

 

DỊCH VỤ LẬP DỰ ÁN