Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai của tỉnh Quảng Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến 2050 cho UBND tỉnh Quảng Nam.
Sáng ngày 16/12, tại Khu Kinh tế mở Chu Lai, UBND tỉnh Quảng Nam chính thức công bố Quyết định số 1737/QĐ-TTg ngày 13/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai của tỉnh Quảng Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến 2050.
Theo quyết định phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam sẽ xây dựng, ban hành các quy định để tổ chức thực hiện có hiệu quả đồ án quy hoạch.
Triển khai lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng, thiết kế kiến trúc cảnh quan cho các khu chức năng trong khu kinh tế làm cơ sở quản lý quy hoạch, triển khai các dự án đầu tư xây dựng và mời các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước đến đầu tư tại tỉnh Quảng Nam, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Với thực tiễn phát triển hiện nay và trong thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu mới, định hướng phát triển việc điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế mở Chu Lai nhằm đảm bảo tính đột phá, có sức kiến tạo cho phát triển, tương xứng với tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh Quảng Nam.
Đồng thời khai thác tối đa kết cấu hạ tầng đã được đầu tư hoàn chỉnh như: Cầu Cửa Đại, tuyến đường ven biển 129, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế mở Chu Lai đã thay đổi tính chất khu kinh tế theo Quyết định 2004 của Thủ tướng Chính phủ từ trung tâm tài chính, ngân hàng, thương mại, du lịch, viễn thông thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, một trong những hạt nhân, trung tâm phát triển lớn của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; khu vực phát triển đô thị; Trung tâm công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ ngành ô tô, hàng không; Trung tâm khí - điện và sản phẩm hóa dầu; công nghiệp dệt may và phụ trợ ngành dệt may, các loại hình công nghiệp khác ứng dụng công nghệ cao và có hàm lượng chất xám cao; Trung tâm sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và là trung tâm du lịch dịch vụ gắn với việc khai thác sân bay Chu Lai và hệ thống cảng Chu Lai - Kỳ Hà.
Đồng thời, vấn đề ranh giới, địa giới hành chính, dân số và đất đai, định hướng phát triển về hạ tầng kinh tế, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị, đánh giá môi trường chiến lược, đặc biệt là định hướng các dự án đầu tư.
Khu Kinh tế mở Chu Lai được thành lập từ năm 2003 và phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng năm 2004. Đây là Khu kinh tế mở ven biển đầu tiên của Việt Nam được Chính phủ cho phép áp dụng các cơ chế, chính sách thông thoáng, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo phê duyệt quy hoạch xây dựng ban đầu, Khu Kinh tế mở Chu Lai có tổng diện tích tự nhiên 27.040 ha, gồm 16 xã, phường, thị trấn vùng Đông ven biển của huyện Núi Thành và TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Khu Kinh tế mở Chu Lai được xây dựng với nhiều phân khu chức năng như: Khu thương mại tự do, các khu công nghiệp, các khu du lịch và các khu đô thị, hệ thống hạ tầng giao thông đầu mối…
Qua 15 năm triển khai phần lớn các khu chức năng của Khu Kinh tế mở Chu Lai đã được đầu tư hoàn thiện, đi vào hoạt động và phát triển mạnh mẽ, nổi bật như: Đầu tư xây dựng 4 Khu công nghiệp Tam Hiệp, Bắc Chu Lai, Tam Anh và Tam Thăng với tổng diện tích trên 3.500 ha, đến nay đã đầu tư hạ tầng đồng bộ đạt tỷ lệ lấp đầy trên 80%; Phát triển du lịch đã thu hút được 22 dự án đầu tư với tổng số vốn đã đăng ký khoảng 45 nghìn tỷ đồng (tương đương 1,9 tỷ USD), trong đó có 7 dự án đi vào hoạt động, tổng vốn thực hiện khoảng 100 triệu USD; Khu Đô thị có quy mô khoảng 15.000 ha, gồm 4 khu đô thị chính là Đô thị Nam Hội An, Đô thị An Phú – Đông Tam Kỳ, Đô thị Tam Hòa - Tam Anh và Đô thị Tam Hiệp - Núi Thành. Trong đó, Khu Đô thị Tam Hiệp - Núi Thành được đầu tư với tổng vốn thực hiện 132,7 tỷ đồng.
Từ khi thành lập đến nay, Khu kinh tế mở Chu Lai có 158 dự án được cấp phép với tổng vốn đăng ký 94 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 4,5 tỷ USD (43 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 1,3 tỷ USD, 115 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký hơn 66,7 nghìn tỷ đồng).
Trong đó, có 111 dự án đi vào hoạt động, tổng vốn đã thực hiện 68 nghìn tỷ đồng. Trong số các dự án đầu tư có quy mô lớn và hoạt động hiệu quả, THACO là doanh nghiệp tư nhân tiên phong đầu tư tại Khu kinh tế mở Chu Lai từ những ngày đầu thành lập và đến nay Cty đã xây dựng khu phức hợp cơ khí ôtô đa dụng trên diện tích gần 400 ha, gồm 30 Cty, nhà máy; đã giải quyết việc làm trên 8.000 lao động, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách tỉnh và Trung ương, góp phần vào việc phát triển ngành công nghiệp cơ khí ôtô Việt Nam, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo Báo Xây Dựng