Khu công nghiệp Phúc Yên có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, là điểm sáng về thu hút các dự án đầu tư.
Ngày 12/10, TP Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) đã long trọng tổ chức Lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập phường Tiền Châu, phường Nam Viêm thuộc TX Phúc Yên, thành lập TP Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là sự kiện lịch sử đánh dấu sự trưởng thành của Phúc Yên trong 113 năm xây dựng và phát triển, là niềm tự hào, vinh dự lớn của vùng đất và con người Phúc Yên.
Đến dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch QH, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân; nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Thị Thúy Lan; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Vinh; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trì; cùng nhiều đại biểu là lãnh đạo các tỉnh, thành trong cả nước.
Đây là sự kiện lịch sử, đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị Phúc Yên, là niềm tự hào của mỗi người dân thành phố.
TP Phúc Yên có diện tích tự nhiên trên 120km², dân số hơn 155 nghìn người, có vị trí thuận lợi nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Vĩnh Phúc, là cửa ngõ phía Bắc tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội (cách sân bay quốc tế Nội Bài khoảng 8 km). TP Phúc Yên nằm trên vùng bán sơn địa với địa hình khá đa dạng gồm cả vùng miền núi, đồng bằng trung du; có hệ thống sông, hồ phong phú (đặc biệt là hồ Đại Lải với diện tích 525 ha); là đầu mối giao thông kết nối các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc với thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế Bắc Bộ - bằng hệ thống giao thông huyết mạch như: Đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, Quốc lộ 2A, tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai... là những điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa với các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Từ khi thành lập đến nay, tuy đô thị Phúc Yên đã nhiều lần chia tách, tái lập và chuyển cấp đơn vị hành chính, nhưng với vị trí, tiềm năng và truyền thống của một vùng đất có bề dày lịch sử, văn hoá lâu đời, Phúc Yên luôn được tỉnh Vĩnh Phúc xác định là trung tâm kinh tế trọng điểm của tỉnh. Nhiều năm đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, thu ngân sách trong 3 năm gần đây đều đạt và vượt ngưỡng 20 nghìn tỷ đồng, thu nhập trung bình đầu người hàng năm đạt trên 72,5 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo trên địa bàn thành phố tính đến nay giảm chỉ còn 392 hộ, chiếm tỷ trọng 1,63%.
Phấn đấu đến năm 2020, TP Phúc Yên cơ bản đạt tiêu chí của Đô thị loại II và từng bước xây dựng thành phố thông minh.
Các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố đã đóng góp phần lớn cho ngân sách Nhà nước; mức thu nhập bình quân đầu người ở Phúc Yên cao gấp 3 lần so với cả nước. Giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm của thành phố chiếm hơn 80% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, đóng góp quan trọng trong tổng thu ngân sách địa phương. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển đổi theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp.
Hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển. Nhiều tuyến đường giao thông quan trọng được quan tâm đầu tư như Quốc lộ 2, đường Nguyễn Tất Thành, các tuyến đường nội thị, đã đưa Phúc Yên trở thành địa chỉ hấp dẫn, thu hút đầu tư. Hiện tại, số doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư trên địa bàn đã vượt ngưỡng 500 doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp “tên tuổi” như: Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Toyota Boshoku Hà Nội, Nagakawa Nhật Bản... không chỉ giải quyết việc làm ổn định cho một lượng lao động lớn tại địa phương mà còn tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế tích cực và mạnh mẽ; trong đó ngành công nghiệp - xây dựng chiếm trên 95%; du lịch chiếm 4,4%; nông, lâm, thủy sản chỉ chiếm trên 0,5%.
Phúc Yên là trung tâm sản xuất ôtô xe máy lớn nhất cả nước, thu hút hàng chục nghìn lao động có thu nhập ổn định, được tiếp cận với khoa học và công nghệ tiên tiến của thế giới.
Song song với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục luôn được thành phố quan tâm, đầu tư. Hệ thống cơ sở y tế được hoàn thiện với đầy đủ mạng lưới y tế từ bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến tỉnh đến y tế cơ sở. Toàn thành phố có 53 trường học, trong đó, có 2 trường Đại học, 4 trường Cao đẳng; 100% số trường ở các cấp học Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở của thành phố đều đạt chuẩn Quốc gia.
Diện mạo thành phố từ đô thị tới nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Công tác an ninh, quốc phòng được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Hệ thống chính trị của thành phố được củng cố, tăng cường; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được tinh giản và sắp xếp hợp lý, đảm bảo chất lượng và hiệu quả làm việc.
Hệ thống sông, hồ phong phú.
Ông Đoàn Văn Tiến - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Phúc Yên cho biết: “Sau nhiều năm tập trung xây dựng, chỉnh trang, nâng cấp đô thị, thị xã Phúc Yên chính thức được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh. Đây là sự kiện lịch sử, đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị Phúc Yên, là niềm tự hào, vinh dự của mỗi người con thành phố. Đồng thời vừa là động lực, mang đến nhiều thời cơ, thuận lợi để phát triển nhưng cũng đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố nhiều nhiệm vụ mới, thách thức mới. Vì vậy, trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục đoàn kết, quyết tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp như: Phấn đấu mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2017-2020 đạt từ 7,0-8,5%, giai đoạn 2021-2030 đạt từ 9,0-10,5%; Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng: công nghiệp, dịch vụ, du lịch và nông nghiệp; Xây dựng nền kinh tế bền vững, đồng thời đảm bảo hài hoà giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; Xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh, ổn định; Thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đủ năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ trong tình hình mới… Phấn đấu đến năm 2020, TP Phúc Yên cơ bản đạt tiêu chí của Đô thị loại II.
Ngoài ấn tượng về một vùng đất năng động trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, Phúc Yên còn được biết đến với một loạt các khu đô thị mới, khu du lịch - nghỉ dưỡng như các khu đô thị: TMS Grand City, Đồng Sơn, Xuân Hòa, Hùng Vương - Tiền Châu; khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 5 sao Flamingo Đại Lải, sân golf Đại Lải…