Mô hình nuôi gà Mia – gà “phá cựa” của gia đình ông Nguyễn Văn Tích (thôn An Cập, xã Hoàng An, huyện Hiệp Hòa – Bắc Giang).
Những năm gần đây, phong trào nuôi gà Mía - gà “phá cựa” (gà có cựa) lan tỏa trên địa bàn huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Vài nét về giống gà quý
Gà Mía Sơn Tây – giống gà đặc sản của làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây – Hà Nội). Đây là giống gà được người xưa dùng làm lễ vật dâng thần thánh, tiến vua; có thời điểm đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có quyết định quy định gà Mía là giống gà nằm trong danh mục nguồn gen vật nuôi quý hiếm phải bảo tồn. Ở Sơn Tây, người ta còn gọi gà Mía là gà “phá cựa” vì giống gà này “nhú cựa” mạnh. Gà Mía – gà “phá cựa” có thịt ngon, vị ngọt đậm, thơm, dai thịt, lại có cựa nên được thị trường ưa chuộng. Thêm nữa, gà Mía – gà “phá cựa” có sức đề kháng tốt, ít bệnh, ngoại hình đẹp; dễ phân biệt với giống gà khác bởi mình vuông, đùi to, chân có 3 hàng vẩy, da đỏ sắc long tía… Hiện gà Mía – gà “phá cựa” đang được huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) khuyến cáo mở rộng quy mô đàn nuôi.
Lãi cao
Mới đây, tôi có dịp đến thăm mô hình nuôi gà Mia – gà “phá cựa” của gia đình ông Nguyễn Văn Tích (thôn An Cập, xã Hoàng An, huyện Hiệp Hòa – BẮc Giang) khi vợ chồng ông vừa cân gà xuất bán cho thương lái .
Ông Tích vui vẻ cho biết, đầu tháng 7, ông vào 1.000 con, với tỷ lệ nuôi sống 93%, giá bán tại của chuồng hiện nay 91.000 đồng/kg, trừ chi phí giống, thức ăn, thuốc thú y…, gia đình thu lãi 90.000 đồng/con/5 tháng nuôi. Nếu lứa gà này ông xuất bán hết với giá bán trên, gia đình có lãi trên 80 triệu đồng.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà mới khang trang, ông Tích cho biết, trước kia gia đình cũng nuôi gà nhưng chủ yếu bằng giống địa phương. Nuôi hơn ba tháng là xuất bán. Với sản phẩm thịt gà trên ba tháng, việc tìm đầu ra cho sản phẩm khá khó khăn, chưa kể đến việc nuôi nhiều lứa trên năm tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tình cờ ông biết được giống gà Mía đặc sản của vùng Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Qua tìm hiểu biết đây là giống gà quý, được thị trường chấp nhận với giá cao nên tôi tiến hành nuôi thử, ông Tích kể.
Giống gà Mía có đặc điểm rất dễ phân biệt với các giống gà khác, mình vuông, khả năng phá cựa (nhú cựa) rất rõ ràng.
Sau khi nuôi thử, thấy có lãi cao nên năm nào tôi cũng nuôi ít nhất một lứa. Cứ tầm tháng 7 dương lịch, bên cung ứng giống sẽ mang gà lên tận nơi cho gia đình. Sau thời gian nuôi 5 tháng, thương lái lại về tận nơi thu mua, ông Tích cho biết thêm.
Tìm hiểu thêm, được biết, thôn An Cập có khoảng 15 hộ nuôi gà “phá cựa” theo phương thức nuôi như gia đình ông Tích. Nhiều hộ nuôi 2 lứa/năm, do họ có vườn đồi rộng, có nhiều khu chuồng nuôi khác nhau nên việc gối đàn thuận lợi.
Nhân rộng mô hình
Chia sẻ kinh nghiệm, ông Tích cho biết: Để thành công trong trong mô hình nuôi gà Mía – gà “phá cựa”, chúng tôi phải tuân thủ một số quy tắc nhất định như: gà giống phải được bắt trực tiếp ở vùng Sơn Tây (do gà nơi đây ít bị pha tạp so với bắt giống ở các nơi khác), bỏ vốn để mua 100% gà trống, vì nuôi gà trống được cân nhanh và việc nhú cựa cũng rõ ràng hơn. Do nuôi 100% gà trống nên việc lựa chọn thức ăn và cân đối khẩu phần ăn cho gà là rất quan trọng, nếu thiếu cân đối dinh dưỡng trong thức ăn, gà sẽ mổ cắn lông nhau. Ngoài ra, khi gà được 4 tháng trở ra, sẽ có hiện tượng đuổi, cắn nhau do bản tính hung hăng của gà trống.
Để hạn chế hiện tượng đuổi cắn nhau trong đàn, tôi làm thêm nhiều gác đứng ở ngoài vườn để những con bị đuổi sẽ đậu trên gác, tránh bị những con khác tấn công.
Sản phẩm gà “phá cựa” đã thực sự chinh phục được thị trường Thủ đô Hà Nội, Quảng Ninh… do thời gian nuôi dài nên chắc thịt, thơm ngon phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Thái, Phó chủ tịch UBND xã Hoàng An, cho biết, những năm gần đây, phong trào chăn nuôi gà Mía – gà “phá cựa” trên địa bàn khá phát triển. Các hộ nông dân được các cấp, các ngành tạo điều kiện hỗ trợ phát triển chăn nuôi gà lông màu. Đặc biệt, năm 2019, được sự quan tâm của Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện Hiệp Hòa, sản phẩm gà lông màu của xã Hoàng An đã được thực hiện việc truy xuất nguồn gốc. Trong những năm tiếp theo sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình sang các thôn lân cận trên địa bàn huyện.
Theo Kinh Tế Nông Thôn