Địa điểm mô hình: Ấp Hòa Thành, xã Lạc Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng
Mô hình có quy mô thực hiện 10,2 ha tại 25 hộ, thời gian thực hiện: từ tháng 9/2017 đến tháng 4/2018. Qua kết quả điều tra nông dân, đa số nông dân trồng hành tím không sử dụng phân hữu cơ trồng hành tím, phân bón và thuốc BVTV sử dụng theo tập quán, ít tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng nên tạo điều kiện cho sâu kháng thuốc BVTV và hầu hết cho rằng đối tượng sâu xanh da láng rất khó quản lý. Việc nông dân sử dụng nhiều phân hóa học trong canh tác hành tím, đặc biệt là phân đạm dẫn đến sâu bệnh phát triển mạnh, dẫn đến sử dụng nhiều thuốc BVTV để phòng trừ, trong thời gian tồn trữ hành dễ bị hư và thối nên làm giảm chất lượng củ hành tím.
Hiệu quả của mô hình
Đối với mô hình thực hiện thì Ruộng trình diễn sử sụng phân hữu cơ bón lót liều lượng 200 kg/1000 m2 và phân khoáng CTU-MeKong (15-3-15) liều lượng 27 kg/1.000 m2, việc quản lý sâu bệnh thực hiện theo nguyên tắc 4 đúng và đảm bảo thời gian cách ly, trong đó ưu tiên sử dụng các sản phẩm sinh học để phòng trừ các đối tượng sâu hại. Qua kết quả mô hình nhận thấy việc sử dụng phân hữu cơ trong canh tác hành tím và giảm lượng phân hóa học giúp cây hành phát triển và sinh trưởng tốt hơn, ống hành và cổ hành to hơn, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn. Do đó ruộng học tập số lần sử dụng thuốc BVTV giảm 2 lần và năng suất cao hơn so với ruộng đối chứng là 1,1 tấn/1.000 m2.
- Đối với mô hình ứng dụng kết quả ruộng trình diễn số lần phun thuốc hóa học giảm 2-4 lần so với ruộng theo tập quán nông dân và năng suất tăng từ 0,8-1 tấn/1000 m2.
- Ruộng sử dụng phân hữu cơ thì củ to, tròn đều và màu sắc có màu tím đẹp hơn so với ruộng đối chứng nông dân.
Bên cạnh đó, để thực hiện mô hình sản xuất hành tím an toàn thì mẫu đất, nước cũng được kiểm tra đánh giá các chỉ tiêu theo đúng tiêu chuẩn về hàm lượng kim loại, vi khuẩn có trong đất nước. Và mẫu sản phẩm cuối cùng trước khi thu hoạch cũng được phân tích về lượng tồn dư thuốc BVTV trong sản phẩm. Kết quả các mẫu sản phẩm thực hiện trong mô hình đều đạt yêu cầu, đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng an toàn thực phẩm, góp phần hình thành vùng sản xuất hành tím an toàn và hiệu quả.
Sản phẩm hành tím sau thu hoạch
Ngoài lợi ích về kỹ thuật như năng suất tăng lên, chất lượng củ hành tím cao hơn (màu sắc đẹp hơn, củ hành to, đều hơn). Mô hình còn đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội tạo điều kiện cho nông dân trồng hành tím có điều kiện tăng cường tiếp cận khoa học kỹ thuật và có tác động làm thay đổi nhận thức của nông dân trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; Giúp cho nông dân tiếp cận và ứng dụng các chế phẩm sinh học. Việc sử dụng chế phẩm sinh học đem lại những lợi ích thiết thực không những cho người sản xuất, người tiêu dùng mà còn góp phần giảm nguy cơ tác động tiêu cực của việc sử dụng hóa học trong sản xuất của người dân đối với môi trường sống của cả cộng đồng.
Mô hình sản xuất hành tím an toàn theo hướng hữu cơ được các ngành, các cấp và nông dân đánh giá rất cao do hiệu quả của mô hình mang lại như năng suất cao và chất lượng củ hành tăng lên, giá bán cao hơn so với hành tím trồng theo tập quán của nông dân. Đây là mô hình phát triển trong tương lai nhằm góp phần nâng cao giá trị củ hành tím và thu nhập của người dân tại địa phương./.
1/3/2020 2:04:00 PM
Sở Nông nghiệp và PTNT Sóc Trăng