“Vật liệu xây dựng cho các công trình trong tương lai – Thực trạng và xu thế phát triển” là chủ đề của Hội thảo do Báo Xây dựng phối hợp với Viện Vật liệu xây dựng (VLXD) tổ chức ngày 13/10, tại Hà Nội.
Ông Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ Vật liệu, Bộ Xây dựng; TS. Lê Trung Thành - Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng; ông Nguyễn Anh Dũng - Tổng Biên tập Báo Xây dựng; đại diện các Hội, hiệp hội, các đơn vị doanh nghiệp ngành Xây dựng đã tới dự.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Anh Dũng – Tổng biên tập Báo Xây dựng nhấn mạnh: “Những đô thị thông minh đã trở thành xu hướng phát triển, đáp ứng nhu cầu hoàn hảo của con người. Trong xu hướng phát triển đó, ngày càng khẳng định định vai trò to lớn của những phát minh, đổi mới công nghệ vật liệu; đa dạng chất lượng, chủng loại, mẫu mã cả sản phẩm tự nhiên và nhân tạo nhằm tạo dựng nơi ở cho con người đầy đủ tiện nghi, văn minh hiện đại và bền vững… Những nhân tố mới trong sản xuất phát triển VLXD; những rào cản chính sách; những khó khăn của doanh nghiệp được phản ánh… Hội thảo là cầu nối giữa các nhà hoạch định chính sách với doanh nghiệp, là dịp để trao đổi đề xuất đổi mới chính sách, phát triển Vật liệu mới trong tương lai…”
TS. Lê Trung Thành - Viện trưởng Viện VLXD – Bộ Xây dựng cho biết: “Trong tương lai, các công trình xây dựng ngày càng được chú trọng đến độ bền chịu lực, độ bền theo thời gian, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm chi phí sản xuất và xây lắp, và đặc biệt phải thích ứng với khí hậu tại nơi xây dựng công trình. Vì vậy, một số định hướng chính về phát triển VLXD trong tương lai cần tập trung đối với các chủng loại VLXD như Xi măng, VLXD ốp lát, sứ vệ sinh, VL xây, lợp, VLXD thông Minh, VLXD mới…
Các đại biểu tham dự Hội thảo.
Cụ thể, xi măng tiếp tục nghiên cứu tối ưu hóa sử dụng phế thải của các ngành công nghiệp khác (tro bay, xỉ là cao…) làm nguyên, nhiên liệu cho sản xuất xi măng; nghiên cứu sản xuất các chủng loại xi măng có tính năng đặc biệt, xi măng tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường; nghiên cứu giảm tiêu hao năng lượng, nhiên liệu và nhân công trong sản xuất xi măng.
Vật liệu ốp lát và sứ vệ sinh ngày càng đa dạng về chủng loại, mầu sắc, chống mài mòn cao, màu sắc hoa văn trang trí hiện đại… Phát triển sản xuất vật liệu ốp lát có tính năng đặc biệt, chống bám bẩn, tự làm sạch, ngăn ngừa rêu mốc, bền màu. Sản xuất vật liệu hỗn hợp gốm - đá tự nhiên, gốm - vật liệu hữu cơ, composit. Tiếp tục hiện đại hóa công nghệ sản xuất sứ vệ sinh, giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu, giảm phát thải vào môi trường. Mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng cường xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn; phát triển cơ sở chế biến nguyên liệu lớn, tập trung…
Kính - phát triển công nghệ sản xuất hiện đại, chất lượng sản phẩm cao, loại bỏ công nghệ lạc hậu. Các dây chuyền kính chuẩn bị đầu tư chỉ lựa chọn công nghệ Float nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của kính sản xuất trong nước.
TS. Lê Trung Thành – Viện trưởng Viện VLXD (Bộ Xây dựng) phát biểu tại Hội thảo.
Vật liệu xây, lợp - Tăng cường sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung, vật liệu nhẹ, vật liệu tiết kiệm năng lượng, vật liệu tái chế. Phát triển sản xuất vật liệu lợp nhẹ, bền, có khả năng chống nóng, chống ồn, không bị rêu mốc, ăn mòn bởi thời tiết; các loại vật liệu lợp thông minh cho khả năng lấy ánh sáng, sử dụng năng lượng mặt trời…
Vật liệu bê tông thích ứng với công nghệ in - một xu thế mới, vật liệu bê tông thích ứng với công nghệ in bê tông được quan tâm vì trong tương lai các công trình xây dựng có thể được thi công theo phương pháp này rất nhanh và hiệu quả. Ngành Xây dựng đang tiếp tục phát triển theo hướng tự động hóa để giảm nhân lực, giảm thời gian xây dựng trên công trường, tránh các rủi ro về mất an toàn lao động, giảm chi phí sản xuất và tăng tính tự do trong sáng tác thiết kế kiến trúc, mỹ thuật.
Trong công nghệ in bê tông, cấu kiện được hình thành theo các lớp vật liệu in ra từ máy in tự động, các lớp vật liệu này liên kết với nhau theo chiều thẳng đứng. Vật liệu được phun/in ra từng lớp một và xong lớp dưới thì mới đến lớp trên. Lớp vật liệu trên liên kết với lớp vật liệu dưới bằng liên kết cơ lý hóa chặt chẽ tùy thuộc vào độ nhớt/độ dẻo của vật liệu sử dụng. Công nghệ chế tạo in 3D đặc biệt hiệu quả về chi phí đối với các sản phẩm chế tạo có yêu cầu cao về kỹ thuật và thẩm mỹ.
Công nghệ in bê tông sẽ khắc phục được các hạn chế về phương pháp chế tạo cấu kiện bê tông của ngành Xây dựng truyền thống, nó sẽ tạo điều kiện để các cấu kiện, thậm chí là các ngôi nhà có hình dạng kiến trúc khác nhau sẽ được tạo ra vì máy in có thể in bất cứ hình dạng nào của cấu kiện miễn là vật liệu bê tông dùng để in có các tính chất cơ lý phù hợp. Từ đó, các ý tưởng thiết kế của các kiến trúc sư sẽ ngày càng được tự do, mở rộng không gian sáng tác, không quá bị hạn chế vào các phương pháp xây dựng, chế tạo cấu kiện truyền thống. Đồng thời, các lợi ích mà công nghệ in bê tông đem lại còn là khả năng tiết kiệm thời gian và vật liệu chế tạo do chỉ có rất ít vật liệu thừa (vì máy in chỉ in đúng cấu kiện đã thiết kế và thể tích vật liệu sử dụng đã được tính toán cẩn thận trước khi in). Đặc biệt là công nghệ in bê tông sẽ loại bỏ được khuôn và ván khuôn trong quá trình chế tạo. Tuy nhiên, công nghệ in bê tông nhìn chung cũng phải đối mặt với các thách thức về tốc độ in, độ chính xác, chất lượng các vật liệu sử dụng, mức độ hoàn thiện bề mặt kết cấu.
Vật liệu hữu cơ - Xu thế phát triển loại sơn hiện tại và tương lai bao gồm: Phát triển sản xuất sơn phủ nội ngoại thất có độ bóng và độ bền màu cao, có khả năng chống thấm, chống bám dính, dễ cọ rửa bằng nước. Phát triển sản xuất sơn có khả năng chịu nhiệt, làm giảm nhiệt độ bề mặt. Phát triển sản xuất sơn nền công nghiệp có khả năng chống mài mòn, bền trong các môi trường nước ngọt, nước mặn, dầu, hóa chất. Phát triển sản xuất các loại sơn biến tính, sơn bền trong môi trường khí hậu nhiệt đới, nắng nóng mưa nhiều. Phát triển vật liệu sơn có hàm lượng VOC và hàm lượng kim loại nặng thấp.
VLXD thông minh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường: Phát triển các loại VLXD này đang trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu hướng tới của ngành công nghiệp sản xuất VLXD. Để đạt được mục tiêu này, các sản phẩm VLXD phải đáp ứng được hai yêu cầu: Tiêu tốn ít năng lượng hơn cho việc tạo ra nó và giúp tiết kiệm được năng lượng tiêu thụ cho công trình xây dựng khi đưa vào sử dụng. Các vật liệu như xốp cách nhiệt; tấm lợp sinh thái; gạch bê tông nhẹ, kính tiết kiệm năng lượng Low - E, tấm ốp đất sét nung, ngói tráng men; gỗ ốp tường xanh; xi măng xanh; gạch ốp lát tái chế... được coi như vật liệu tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường. Tiềm năng sử dụng chúng trong các công trình xây dựng ở Việt Nam để tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường là rất lớn để hạn chế các mặt trái của khí hậu nóng ẩm. Thực tế ở một số nước phát triển trước đã chứng minh, đầu tư vào những vật liệu xây dựng “xanh” giúp mang lại hiệu quả tiết kiệm năng lượng sử dụng, vốn đầu tư không quá cao, thân thiện môi trường, trong khi thời gian thu hồi vốn ngắn.
Cần làm gì để ngành VLXD phát triển bền vững?
Trong những năm gần đây, Việt Nam đang là một trong những nước dẫn đầu về đầu tư cho cơ sở hạ tầng, đạt khoảng 5,7% GDP, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á và đứng thứ hai tại châu Á sau Trung Quốc; hàng loạt các công trình hạ tầng được khởi công xây dựng và hoàn thiện, hệ thống giao thông được mở rộng, các cảng biển, hàng không được nâng cấp, mở rộng tạo thuận lợi cho giao thông, vận tải nguyên, nhiên liệu sản xuất cũng như các loại sản phẩm VLXD. Bên cạnh thuận lợi, ngành sản xuất Vật liệu cũng gặp phải không ít khó khăn về thị trường và tiêu thụ, sự cạnh tranh của VLXD ngoại nhập…
Để phát triển VLXD bền vững, hài hòa các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường, đáp ứng nhu cầu xây dựng trong nước và xuất khẩu, trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách như: Ban hành chính sách ưu đãi đủ mạnh để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các ngành công nghiệp vật liệu mới kết hợp với các hoạt động giới thiệu, khuyến khích đầu tư. Đồng thời xây dựng, ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp các ngành công nghiệp vật liệu mới bao gồm xúc tiến thương mại, liên kết doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư, đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực...
Đồng thời, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào phát triển công nghiệp vật liệu mới: Thông qua các hiệp định thương mại đã ký giữa Việt Nam và các nước khác; Nâng cao năng lực các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp vật liệu mới; Xây dựng hệ thống hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp ngành công nghiệp vật liệu mới như cung cấp các thông tin chính sách, pháp luật, thị trường, công nghệ, giúp kết nối doanh nghiệp với thị trường… Đẩy mạnh chuyển giao công nghệ và nâng cao trình độ công nghệ sản xuất vật liệu công nghiệp: Đổi mới công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ, gắn nghiên cứu khoa học và công nghệ với các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp các ngành công nghiệp vật liệu nói riêng. Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực từ đào tạo công nhân bậc cao, công nhân lành nghề… cho đến các nhà quản lý doanh nghiệp.
Theo Báo Xây Dựng