Mô hình được bắt đầu từ năm 2014 gồm chuỗi nuôi bò sinh sản với quy mô 7.000 con kết hợp tận dụng phân bò để nuôi trùn quế. Giai đoạn đầu lợi nhuận từ đàn bò mang lại khoảng 1,7 tỷ đồng/năm. Đến năm 2016, chủ mô hình (ông Nguyễn Lợi Đức,Ấp Vĩnh Cầu, xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn) bắt đầu kết hợp thêm trồng chuối cấy mô với quy mô 55 ha. Giai đoạn đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc canh tác chuối cấy mô nên chủ trang trại đã gặp không ít khó khăn khi phần lớn diện tích chuối bị bệnh do chưa cân đối được phân bón, dinh dưỡng và khâu quản lý sâu, bệnh. Dẫn đến chuối cho năng suất không cao, trái chuối bị đen ruột và độ ngọt chưa đạt.
Cuối năm 2017, với sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, đã mời các Viện, trường đến tìm hiểu nguyên nhân, tiến hành phân tích mẫu bệnh, mẫu đất, mẫu nước… giúp tìm ra nguyên nhân và hỗ trợ hội thảo về kỹ thuật. Hiện nay, mô hình đã khắc phục dần dần các hạn chế, phát triển ổn định và cho nguồn thu đều đặn với chất lượng trái ngày càng ổn định.
Lợi ích của việc sử dụng cây cấy mô so với truyền thống là cây con có độ đồng đều, cho năng suất cao, dễ bố trí mùa vụ và thu hoạch. Ngoài ra, cây chuối cấy mô cũng sẽ thuần và ít sâu, bệnh hơn so với cây truyền thống bằng cây con. Với tổng chi phí vốn khoảng 3.500 đồng - 4.000 đồng/kg, giá chuối bán ra dao động khoảng 7.500 đồng - 9.000 đồng/kg. Với năng suất bình quân 40 tấn/ha, lợi nhuận là 140.000.000 đồng/ha. Do đó, lợi nhuận mang lại từ chuối cấy mô hiện nay vào khoảng 7,7 tỷ/năm. Thị trường tiêu thụ chủ chuối cấy mô hiện nay là một số tỉnh lân cận của thị trường nội địa và xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc thông qua các doanh nghiệp thu mua.
Các lợi ích mang lại:
Đây là mô hình tiêu biểu đi đầu trong việc tổ chức sản xuất và tập trung đất đai theo quy mô lớn. Đồng thời, chủ mô hình cũng đi tiên phong trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp.
Về mặt xã hội, mô hình đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 80 - 90 lao động ở địa phương với mức lương ổn định, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người dân ổn định cuộc sống. Mô hình đã giúp bà con nông dân xung quanh có công ăn việc làm ổn định, không phải đi làm xa nhà, tiện chăm sóc con cái nhà cửa hơn.
Sản xuất được quản lý khép kín với quy trình theo hướng an toàn, giúp tạo ra sản phẩm chất lượng và ổn định. Đồng thời chú trọng yếu tố môi trường nên đây là một mô hình định hướng sản xuất bền vững tại địa phương.
Hàng năm chủ mô hình này đều được xét nông dân giỏi và đạt nông dân giỏi cấp tỉnh từ nhiều năm nay. Với tính tiên phong dám nghĩ, dám làm chủ mô hình định hướng sẽ duy trì và mở rộng diện tích sản xuất, đầu tư công nghệ tiên tiến nhiều hơn nữa, giúp ngày càng nâng tầm giá trị sản phẩm.
Sở Nông nghiệp và PTNT An Giang