Một góc thủ đô Hà Nội.
Nếu như việc định hướng, sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế, xã hội để sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững là nhiệm vụ mang tầm quốc gia thì việc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật-xã hội và nhà ở để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân là nhiệm vụ của các thành phố, đô thị.
Trong những năm qua, được sự định hướng của Chính phủ cũng như các bộ, ngành, Hà Nội đã hạn chế được việc quy hoạch và đầu tư dàn trải, tập trung quy hoạch hạ tầng khung tại “5 cửa ô” để hướng tới xây dựng phát triển hài hòa giữa vùng lõi và ngoại thành.
Điểm nhấn quy hoạch với “chùm” đô thị vệ tinh
Thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội đã và đang phát triển theo mô hình “chùm” đô thị, gồm khu vực đô thị trung tâm và năm đô thị vệ tinh.
Đô thị trung tâm là khu vực nội đô hiện tại được phát triển mở rộng về phía Tây-Nam đến đường Vành đai 4; về phía Bắc với khu vực Mê Linh, Đông Anh; phía Đông với khu vực Gia Lâm và Long Biên. Năm đô thị vệ tinh của thành phố bao gồm Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn.
Theo quy hoạch, đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh, các thị trấn bằng một hành lang xanh chiếm tới 70% diện tích đất tự nhiên. Mỗi đô thị vệ tinh có chức năng hỗn hợp và đặc thù riêng, hoạt động tương đối độc lập để hỗ trợ và chia sẻ với khu vực đô thị trung tâm về nhà ở, đào tạo, công nghiệp và dịch vụ.
Đánh giá của các chuyên gia kinh tế cho thấy, với việc định hướng quy hoạch trên, Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã đạt được yêu cầu về phát triển không gian đô thị, tạo điều kiện để phân bổ lại sức sản xuất, phân bổ lại dân cư, cũng như các khu chức năng phù hợp với điều kiện kinh tế, tự nhiên và phù hợp với các yêu cầu phát triển.
Đặc biệt, Hà Nội đã và đang đi theo xu hướng chung của các nước trên thế giới là quy hoạch các đô thị vệ tinh, tạo nên các vành đai xanh, khích lệ tăng trưởng, kéo giãn dân ra khỏi nội đô chật chội.
Theo bà Vũ Thị Vinh, Nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Đô thị Việt Nam, sự kết nối giữa đô thị vệ tinh với thành phố trung tâm phải thông qua một hệ thống giao thông hoàn chỉnh như đường bộ cao tốc, đường sắt đô thị. Đây là những tuyến đường trục giao thông quan trọng và nếu thiếu nó thì sự kết nối không thành công.
Hiện tại, theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 sẽ có nhiều trục đường nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh với chiều dài khoảng gần 100km.
Các trục đường này có quy mô mặt cắt ngang từ 40-60m, tối thiểu sáu làn xe cơ giới, bao gồm trục Tây Thăng Long đoạn từ Vành đai 4 tới đô thị vệ tinh Sơn Tây dài khoảng 20km; trục Hồ Tây-Ba Vì đoạn Vành đai 4 tới đô thị vệ tinh Hòa Lạc dài khoảng 25km; trục Hà Đông-Xuân Mai đoạn từ Vành đai 4 tới đô thị vệ tinh Xuân Mai dài khoảng 20km; trục Ngọc Hồi-Phú Xuyên đoạn từ Vành đai 4 tới đô thị vệ tinh Phú Xuyên dài khoảng 25km. Đây sẽ là điều kiện rất quan trọng tạo cho các đô thị vệ tinh phát triển.
Bà Vinh nhìn nhận với định hướng giao thông kể trên sẽ giúp các đô thị vệ tinh trở thành hiện thực, khi đó Hà Nội sẽ hạn chế đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông cũng như áp lực đối hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật tại khu đô thị nội đô trung tâm.
Cửa ngõ phía Tây (Hà Nội), con đường Đại lộ Thăng Long.
Một số chuyên gia kinh tế cũng phân tích, Hà Nội đang đi đúng hướng trong việc quy hoạch phát triển đô thị vệ tinh. Thời gian qua, Hà Nội xuất hiện những “con đường đắt nhất hành tinh” hay “con đường rát vàng.” Thực chất không phải làm một km đường là hết hàng nghìn tỷ đồng mà phần lớn số tiền đó dành cho giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Trong khi đó, với số tiền trên, Hà Nội có thể làm được khu đô thị tương đối hoàn chỉnh ở các quận, huyện ngoại thành, từ đó kết nối giao thông đi lại thuận tiện thì chắc chắn người dân sẽ không đổ dồn vào nội thành sinh sống. Nếu thực hiện được điều này, Hà Nội sẽ không còn những ngôi nhà “siêu mỏng, siêu méo,” hệ quả lâu dài của giải phóng mặt bằng, của những con đường nghìn tỷ.
Do vậy, với định hướng quy hoạch khu đô thị vệ tinh ở Hà Nội, các chuyên gia cho rằng, đây là cách làm khôn ngoan, nhằm thu hút người dân từ nội thành ra ngoại thành. Kinh nghiệm từ một số nước cho thấy, mỗi đô thị vệ tinh có chức năng và đặc điểm kinh tế-xã hội khác nhau. Mỗi đô thị vệ tinh phải có một động lực rõ ràng và thực chất, mỗi thành phố phải có chiến lược với những kế hoạch khả thi về tài chính bao gồm: kinh phí để xây dựng các tuyến hạ tầng giao thông khung, kinh phí để xây dựng các đô thị vệ tinh.
Quy hoạch gắn với thu hút nguồn lực
Theo ông Lê Vinh, Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội, năm 2018, sở được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao gần 350 nhiệm vụ và đến nay đã hoàn thành gần 300 nhiệm vụ; trong đó, sở đã hoàn thành và trình thành phố phê duyệt một số đồ án lớn như quy hoạch chi tiết khu đô thị mới Gia Lâm, thiết kế đô thị hai bên tuyến đường Trường Chinh, khu nhà ở xã hội huyện Đông Anh và Hà Đông.
Cùng với việc quy hoạch các đô thị vệ tinh, Hà Nội đã lập danh mục nhiều dự án ưu tiên có tính chất tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội; các dự án trọng tâm, trọng điểm, lập kế hoạch, lộ trình đầu tư, thực hiện đảm bảo phù hợp điều kiện kinh tế, tránh dàn trải. Huy động các nguồn lực và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, tập trung thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ chính, công trình lớn quan trọng về hạ tầng khung như: giao thông, cấp thoát nước, khu-cụm công nghiệp, cấp điện, hạ tầng y tế, giáo dục... đáp ứng các nhu cầu an sinh xã hội; các dự án khoa học công nghệ, xử lý ô nhiễm môi trường và phát triển đô thị.
Với tinh thần đó, Hà Nội đã thu hút các nhà đầu tư xây mới những khu đô thị hiện đại, đồng bộ hoàn chỉnh hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật mang tầm khu vực như Time City, Royal City, Gamuda City, Vinhome Reveside...; nhiều công trình quan trọng cũng được đầu tư từ nhiều nguồn lực khác nhau như Tòa nhà Lotte, Tòa nhà Quốc hội, Nhà ga T2 sân bay Nội Bài...
Đáng chú ý, với hàng loạt các dự án bất động sản đã và đang được triển khai bên ngoài khu vực nội đô như: Splendora, Quốc Oai, Park City, Thanh Hà, Mỗ Lao, Đặng Xá và mới đây nhất là việc đầu tư xây mới 4 triệu m2 nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu đô thị Vin City Gia Lâm, Kim Chung-Đông Anh..., một bộ phận cư dân Hà Nội đang chuyển dịch dần ra vùng ven định cư.
Dù vậy, Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội Lê Vinh cũng thừa nhận quá trình thực hiện công tác quy hoạch của Hà Nội thời gian qua vẫn còn những hạn chế, nhất là về tầm nhìn đặt ra trong từng giai đoạn, dẫn đến phải điều chỉnh trong quá trình lập dự án đầu tư gây bức xúc dư luận xã hội. Bộ mặt kiến trúc đô thị chưa được đồng bộ, khang trang.
Bênh cạnh đó, tiến độ thực hiện các đề án phân khu nội đô còn chậm, số lượng, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết còn thấp. Việc đầu tư xây dựng theo quy hoạch còn hạn chế. Nhiều dự án sử dụng vốn ngân sách tiến độ thực hiện chậm gây lãng phí, thậm chí phải điều chỉnh do không còn phù hợp với quy hoạch cấp trên. Nguyên nhân là thiếu nguồn lực đầu tư, khó khăn giải phóng mặt bằng nên các khu đô thị vệ tinh cũng chưa hình thành và phát triển như mong muốn.
Mới đây, tại buổi làm việc với Sở Quy hoạch-Kiến trúc thành phố, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh quy hoạch bao giờ cũng phải đi trước để dẫn dắt định hướng phát triển kinh tế-xã hội. Điều này yêu cầu Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội cần sớm hoàn thành phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, không để kéo dài.
“Chúng ta mong muốn thành phố có kiến trúc đẹp, hạ tầng đồng bộ thì phải thúc đẩy, hoàn thành sớm các quy hoạch này, nếu không thì không thể phát triển được,” ông Hoàng Trung Hải nói.
Đặc biệt, người đứng đầu Đảng bộ thành phố Hà Nội cũng yêu cầu ngành quy hoạch-kiến trúc phải đầu tư trí tuệ để nghiên cứu sáng kiến, đề xuất các điểm nhấn kiến trúc đô thị cho thành phố bởi thực tế khâu này vẫn còn yếu kém./.
Theo Báo Xây Dựng