Đối với nước ta, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Hiện nay, nhiều địa phương đã xây dựng và triển khai thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh như Lâm Đồng đã tiến hành triển khai đầu tư xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao với những hình thức, quy mô và kết quả hoạt động đạt được ở nhiều mức độ khác nhau.
Đối với tỉnh Bình Dương, thực hiện chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao hướng mạnh vào sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh là các loại thực phẩm tươi sống và mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị.
Đồng thời, hiện nay Sở Khoa học và công nghệ đang quản lý, sử dụng khu đất có diện tích 109.184 m2 tại Ấp Cầu Sắt, xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương theo Công văn 3688/UBND-VX ngày 03/12/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc chủ trương giao đất và lập dự án đầu tư “Khu ứng dụng khoa học và công nghệ”.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay nền sản xuất nông nghiệp của Bình Dương có nhiều thay đổi theo hướng nông nghiệp đô thị và nông nghiệp công nghệ cao. Trong khi đó trên địa bàn tỉnh tuy có một số Viện nghiên cứu, Trung tâm nghiên cứu và Các trường Đại học, Trung học chuyên nghiệp,… nhưng lại chưa có một đơn vị nào thực hiện công tác thực nghiệm nền nông nghiệp đô thị theo hướng công nghệ cao, trong khi Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ cơ bản đã hình thành bộ phận hoạt động trong lĩnh vực thực nghiệm và chuyển giao các mô hình sản xuất nông nghiệp theo định hướng phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh, nhưng khó khăn lớn nhất của Trung tâm hiện nay là chưa có địa điểm, cũng như cơ sở vật chất,… để cán bộ Trung tâm có thể trực tiếp khảo nghiệm, thực nghiệm các mô hình, nhằm nâng cao tay nghề để có thể trực tiếp chuyển giao kỹ thuật cho người dân. Từ những yếu tố trên Sở Khoa học và Công nghệ xét thấy cần Xây dựng khu thực nghiệm khoa học và công nghệ thuộc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, để làm nơi tiếp nhận những công nghệ sản xuất tiên tiến – công nghệ cao tiến hành thực nghiệm các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng đô thị phù hợp với điều kiện sản xuất của tỉnh nhà, từ đó làm cơ sở chuyển giao và trực tiếp huấn luyện kỹ năng thực hành các kỹ thuật sản xuất ứng dụng công nghệ cao cho các tổ chức và người dân trên địa bàn tỉnh. Như vậy khi dự án hình thành sẽ đáp ứng được 2 nhiệm vụ chính như sau:
- Hình thành các mô hình sản xuất để thực nghiệm ứng dụng các công nghệ sản xuất phù hợp với điều kiện sản xuất của tỉnh.
- Là nơi tham quan học hỏi, đào tạo – tập huấn và chuyển giao công nghệ sản xuất cho người dân.
I. Mục tiêu đầu tư.
1. Mục tiêu chung.
- Tổ chức tiếp nhận công nghệ, thực nghiệm các biện pháp kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn để chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tập trung các loại cây trồng chính: rau (ăn lá, quả..), nấm, hoa lan.
- Sản xuất thực nghiệm dung dịch dinh dưỡng và giá thể trồng rau nhằm đáp ứng nhu cầu trồng rau đô thị.
- Tổ chức sản xuất giống có chất lượng cao cho các cơ sở sản xuất giống thương phẩm (nấm, hoa lan).
- Triển khai các hoạt động bảo tồn nguồn giống cây ăn quả (cam, quýt bưởi và măng cụt).
- Các công nghệ được ứng dụng trong thực hiện dự án chủ yếu tập trung vào công nghệ cao, công nghệ tiên tiến so với mặt bằng công nghệ sản xuất nông nghiệp trong tỉnh. Ngoài ra các mô hình hoạt động của dự án chủ yếu là hoạt động sự nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp đô thị.
2. Mục tiêu cụ thể.
- Xây dựng nhà màng (với các thiết bị kèm theo) để tiếp nhận công nghệ (sản xuất rau ăn lá, rau ăn quả ) và tổ chức thực nghiệm các biện pháp kỹ thuật (cải tiến cho phù hợp với điều kiện của địa phương), trình diễn chuyển giao công nghệ sản xuất VietGAP.
- Xây dựng phòng nuôi cấy mô hoa lan và các nhà màng (lưới) để tổ chức sản xuất giống hoa lan cung cấp cho các trang trại, người dân có nhu cầu trồng lan trong và ngoài tỉnh. Tổ chức thực nghiệm các biện pháp kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa lan. Xây dựng mô hình trồng hoa lan để chuyển giao công nghệ.
- Xây dựng phòng nuôi cấy meo giống các loại nấm, sản xuất được giống cấp 1, 2, 3. Cung cấp giống cấp 3 cho các nhà sản xuất giống để sản xuất thương phẩm. Thực nghiệm các biện pháp kỹ thuật sản xuất nấm. Tổ chức mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất nấm.
- Bảo tồn cá thể đầu dòng cây ăn quả (bưởi da xanh, bưởi đường lá cam, quýt, cam, măng cụt).
- Hình thành khu sản xuất giá thể sạch, giá thể chứa dinh dưỡng dùng trong trồng rau đô thị.Sản xuất dung dịch dinh dưỡng dùng cho trồng cây kiểng, một số loại rau ăn lá, rau ăn quả.
- Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, chuyển giao những công nghệ mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công nghệ trồng, chăm sóc hoa lan, nấm, rau.
- Liên kết với các trường đại học, viện nghiên cứu phát triển trên địa bàn tỉnh (Đại học Thủ Dầu Một, Đại học Bình Dương, Trung cấp Nông lâm Bình Dương…) và khu vực (Đại học Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa Tp. Hồ Chí Minh, Đại học Tự nhiên Tp. Hồ Chí Minh, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam…), phối hợp các nhà khoa học trong và ngoài nước để đào tạo chuyển giao mô hình sản công nghệ trồng, chăm sóc hoa lan, nấm, rau.
II. Qui mô sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của dự án.
- Quy mô sản xuất của dự án.
Khu nghiên cứu ứng dụng, thực nghiệm, trình diễn các mô hình NNCNC: Nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, học hỏi cho các học viên và khách tham quan dự án dự kiến bố trí khu trình diễn các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại phù hợp với yêu cầu phát triển của nền nông nghiệp hiện đại và nông nghiệp đô thị. Các mô hình thực nghiệm cũng như các công trình phụ trợ, cụ thể như sau:
- Nhà màng SX dưa leo trên giá thể : 1.000 m2;
- Nhà lưới SX rau trên đất : 1.000 m2;
- Nhà màng SX dưa leo trên đất : 1.000 m2;
- Nhà màng SX rau ăn lá thủy canh : 1.000 m2;
- Nhà màng SX dưa lưới : 1.000 m2;
- Nhà lưới sản xuất hoa lan cắt cành Mokara : 1.000 m2;
- Nhà lưới sản xuất hoa lan cắt cành Dendro : 1.000 m2;
- Nhà lưới sản xuất lan giỏ các loại : 1.000 m2;
- Nhà lưới sản xuất giống hoa lan : 1.000 m2;
- Nhà lưới sưu tập nguồn gen hoa lan : 500 m2;
- Mô hình sản xuất nấm Đông cô : 100 m2;
- Mô hình sản xuất nấm Bào ngư : 100 m2;
- Nhà sản xuất giống nấm : 600 m2;
- Mô hình sản xuất cây ăn quả công nghệ cao : 7 ha.
- Hình thức tiêu thụ sản phẩm của dự án.
Dự án tiêu thụ sản phẩm theo hình thức trực tiếp và liên kết với các cơ sở để tiêu thụ sản phẩm của dự án, cung cấp giống nấm cấp 1 có chất lượng cao cho người dân trong tỉnh và khu vực lân cận., Hợp đồng tiêu thụ thông qua các dự án chuyển giao.
Ngoài ra, các sản phẩm của dự án đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên sản phẩm đủ điều kiện để đưa vào các Siêu thị, cửa hàng tiện lợi, an toàn,…
III. Tổng mức đầu tư của dự án.
Tổng mức đầu tư của dự án : 96.812.791.000 đồng. Trong đó:
- Vốn xây dựng : 69.943.350.000 đồng.
- Chi phí thiết bị : 8.427.639.000 đồng.
- Chi phí quản lý DA : 1.421.650.000 đồng.
- Chi phí tư vấn đầu tư : 3.888.999.000 đồng.
- Chi phí khác : 503.398.000 đồng.
- Dự phòng phí : 12.627.755.000 đồng.
IV. Hiệu quả của dự án.
1. Hiệu quả, lợi ích khoa học.
- Là nơi ứng dung các tiến bộ khoa học công nghệ, hoàn chỉnh công nghệ, hoàn chỉnh quy trình, triển khai, thực nghiệm kết quả các đề tài khoa học công nghệ để hoàn chỉnh công nghệ áp dụng phù hợp với điều kiện của tỉnh từ đó nhân rộng trong sản xuất của người dân.
- Xây dựng và đưa vào hoạt động có hiệu quả nhằm tạo ra các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị phù hợp với điều kiện của tỉnh.
- Là nơi tham quan, học hỏi trao đổi kinh nghiệm của các tổ chức khoa học, người dân trong tỉnh.
- Xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ nông nghiệp công nghệ cao, làm nòng cốt trong việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
- Khẳng định phương pháp quy trình công nghệ tiên tiến như nuôi cấy mô, meo nấm và thực nghiệm các mô hình nông nghiệp công nghệ cao là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp trong thời kỳ hội nhập với nền kinh tế thế giới.
2. Các chỉ tiêu tài chính và phân tích đánh giá hiệu quả kinh tế.
- Khả năng hoàn vốn và thời gian hoàn vốn giản đơn.
Khả năng hoàn vốn giản đơn: Dự án sẽ sử dụng nguồn thu nhập sau thuế và khấu hao cơ bản của dự án để hoàn trả vốn vay.
KN hoàn vốn = (LN sau thuế + khấu hao)/Vốn đầu tư.
Theo phân tích khả năng hoàn vốn giản đơn của dự án (phần phụ lục) thì chỉ số hoàn vốn của dự án là 1,32 lần, chứng tỏ rằng cứ 1 đồng vốn bỏ ra sẽ được đảm bảo bằng 1,32 đồng thu nhập. Dự án có đủ khả năng tạo vốn cao để thực hiện việc hoàn vốn.
Thời gian hoàn vốn giản đơn (T): Theo (Bảng phụ lục tính toán) ta nhận thấy đến năm thứ 10 đã thu hồi được vốn và có dư, do đó cần xác định số tháng của năm thứ 9 để xác định được thời gian hoàn vốn chính xác.
Số tháng = Số vốn đầu tư còn phải thu hồi/thu nhập bình quân năm có dư
Như vậy thời gian hoàn vốn của dự án là 9 năm 0 tháng tính từ sau giai đoạn đầu tư.
- Khả năng hoàn vốn và thời điểm hoàn vốn có chiết khấu.
Khả năng hoàn vốn và thời điểm hoàn vốn được phân tích cụ thể ở bảng phụ lục tính toán của dự án. Như vậy PIp = 1,001 cho ta thấy, cứ 1 đồng vốn bỏ ra đầu tư sẽ được đảm bảo bằng 1,001 đồng thu nhập cùng qui về hiện giá, chứng tỏ dự án có đủ khả năng tạo vốn để hoàn trả vốn, tuy không cao.
Thời gian hoàn vốn có chiết khấu (Tp) (hệ số chiết khấu 5%).
Theo bảng phân tích cho thấy đến năm thứ 13 đã hoàn được vốn và có dư (tính từ sau giai đoạn đầu tư). Do đó ta cần xác định số tháng cần thiết của năm thứ 12.
Kết quả tính toán: Tp = 12 năm 1 tháng tính từ sau giai đoạn đầu tư.
- Phân tích theo phương pháp hiện giá thuần (NPV).
Hệ số chiết khấu mong muốn 5%/năm.
Theo bảng phụ lục tính toán NPV = 9,3 tỷ đồng. Như vậy trong vòng 13 năm sau giai đoạn đầu tư xây dựng, thu nhập đạt được sau khi trừ giá trị đầu tư qui về hiện giá thuần là: 9,3 tỷ đồng > 0 chứng tỏ dự án có hiệu quả.
- Phân tích theo tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR).
Theo phân tích được thể hiện trong bảng phân tích của phụ lục tính toán cho thấy IRR = 8% > 5% như vậy chứng tỏ dự án có khả năng sinh lời.
3. Lợi ích xã hội.
- Góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân, đặc biệt tạo cơ hội cho nhiều hộ nông dân nắm bắt khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất nhằm tăng thu nhập trên đơn vị diện tích.
- Triển khai có hiệu quả các chương trình phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao theo định hướng của tỉnh, tạo điểm nhấn để lan tỏa nền nông nghiệp đô thị của tỉnh.