Bố trí gần 17.000 ha đất cho đồng bào Tây Nguyên

Bố trí gần 17.000 ha đất cho đồng bào Tây Nguyên

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Đến nay, toàn vùng đã rà soát, xác định được 490 khu vực có khả năng bố trí đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, di cư tự do, đã xây dựng phương án bố trí cho 27.783 hộ với diện tích khoảng 16.891 ha.

Báo cáo của Bộ TN&MT cho thấy hiện tại vùng Tây Nguyên có khoảng 52.940 hộ thiếu đất sản xuất, trong thời gian tới, nhiều giải pháp sẽ được tập trung triển khai để khắc phục tình trạng này.

Báo cáo được Bộ trưởng Trần Hồng Hà trình bày tại Hội nghị Giải pháp ổn định dân di cư tự do trên địa bàn cả nước và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại Tây Nguyên, ngày 9/12.

Tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất đai phức tạp

Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo của các địa phương, tại địa bàn 05 tỉnh Tây Nguyên diện tích đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường đang bị lấn, bị chiếm, đang có tranh chấp là khoảng 199.288 ha (chiếm 7,3 % tổng diện tích đang quản lý, sử dụng); phần diện tích các nông, lâm trường đã giao khoán, cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư khoảng 107.607 ha (chiếm 3,9 % tổng diện tích đang quản lý, sử dụng).

Phần diện tích đất đang bị lấn, bị chiếm, đang có tranh chấp phổ biến dưới nhiều hình thức. Phổ biến như giữa các hộ dân nhận khoán vườn cây với các nông, lâm trường (bao gồm cả việc không tuân thủ thực hiện hợp đồng giao khoán); các hộ dân đòi lại đất Nhà nước đã giao cho các nông, lâm trường và đòi lại đất khi đã hết thời gian nhận khoán hoặc hết chu kỳ kinh doanh theo hợp đồng đối với đất người dân đưa vào nông, lâm trường trước đây.

Hoặc người dân kiến nghị cơ quan Nhà nước thu hồi lại đất của các nông, lâm trường để giao cho các hộ, gia đình thiếu đất sản xuất, hoàn cảnh kinh tế khó khăn; tranh chấp giữa người dân di cư tự do từ các địa phương khác đến lấn, chiếm đất đai của nông, lâm trường và các hộ gia đình, cá nhân tại chỗ đang nhận khoán đất của các nông, lâm trường…

Mặc dù các cấp, các ngành đã có rất nhiều cố gắng giải quyết nhưng do tính phức tạp của các vụ việc, nguồn gốc đất đai và chất lượng của hồ sơ lưu trữ không đảm bảo nên tiến độ xử lý còn chậm. Trên địa bàn hiện còn một số vụ nổi cộm liên quan đến hợp đồng giao khoán đất và vườn cây, nguồn gốc đất - đòi lại đất, giao chồng lấn đất, chiếm giữ đất và đề nghị giao đất ở, đất sản xuất.

Còn gần 53 ngàn hộ thiếu đất sản xuất

Cũng theo số liệu báo cáo được Bộ TN&MT tổng hợp, hiện tại vùng Tây Nguyên có khoảng 52.940 hộ thiếu đất sản xuất, với diện tích khoảng 24.075 ha.

Trong đó, tỉnh Đắk Lắk có khoảng 19.198 hộ thiếu đất sản xuất (bằng 36,3 % của toàn vùng), với diện tích khoảng 6.591 ha. Tỉnh Gia Lai có khoảng 12.986 hộ thiếu đất sản xuất (bằng 22,48% của toàn vùng), với diện tích khoảng 4.921,9 ha.

Nguyên nhân chính của việc thiếu đất sản xuất là do đồng bào dân tộc thiểu số, di cư tự do thường sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, địa hình phức tạp, đất dốc, điều kiện canh tác hạn chế, cơ sở hạ tầng thấp kém; thiên tai, lũ quét, sạt lở thường xuyên xảy ra. Trong khi đó, do tập quán canh tác lạc hậu, canh tác thiếu khoa học nên đất sản xuất ngày càng bị bạc màu (năng suất thấp).

Một nguyên nhân khác là do đói nghèo, nhiều hộ đã phải sang nhượng, cầm cố, thế chấp đất sản xuất; không có khả năng chuộc lại, trở thành các hộ không có đất sản xuất; do du canh, du cư; di cư tự do đã gây biến động lớn về đất ở và đất sản xuất trong vùng có dân di cư; do tỷ lệ tăng dân số tự nhiên cao, các hộ phát sinh thêm đa số không có đất để sản xuất. Một nguyên nhân quan trọng là do công tác quản lý đất đai còn bị buông lỏng dẫn đến tình trạng mua bán đất, sang nhượng đất trái phép trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, di cư tự do.

Đến nay, toàn vùng đã rà soát, xác định được 490 khu vực với tổng diện tích khoảng 17.095,14 ha có khả năng bố trí đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, di cư tự do, trong đó đã xây dựng phương án bố trí trực tiếp đất sản xuất tại 480 khu vực cho 27.783 hộ, với diện tích khoảng 16.891 ha. Đã có 7.640 hộ được hỗ trợ bằng tiền; 4.180 hộ được hỗ trợ bằng hình thức chuyển đổi nghề nghiệp và 18.168 hộ được hỗ trợ bằng hình thức khác.

Rà soát để bố trí đất sản xuất cho đồng bào

Theo Bộ TN&MT, để ổn định người sử dụng đất tại chỗ, bảo vệ đất đai và tăng cường công tác quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường, trong thời gian tới cần rà soát tổng thể các quy định của pháp luật về đất đai, lâm nghiệp; chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số và dân di cư tự do, các hộ nghèo;... để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn.

Xây dựng kế hoạch chi tiết, ưu tiên nguồn lực đất đai, kinh phí và con người để thực hiện chính sách đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất và dân di cư tự do là các hộ dân tộc thiểu số các hộ nghèo để giảm thiểu việc lấn chiếm đất đai. Xem xét, cập nhật nội dung, phương án quy hoạch quỹ đất bố trí cho đồng bào dân tộc thiểu số vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện để có cơ sở triển khai thực hiện.

Các địa phương quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện, cơ chế xây dựng, phát triển các mô hình quản trị doanh nghiệp, đổi mới mô hình quản lý các công ty nông, lâm nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ cao, gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương. Lập phương án quản lý, sử dụng quỹ đất các nông, lâm trường bàn giao về địa phương để giao cho người dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu hoặc không có đất ở, đất sản xuất ở địa phương quản lý, sử dụng. Đồng thời, tiếp tục lập tổ công tác liên ngành xuống từng địa phương để khảo sát đánh giá về công tác quản lý đất đai và công tác quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường; tập trung thanh tra, kiểm tra quản lý sử dụng đất, trách nhiệm trong quản lý sử dụng đất nông, lâm trường.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các địa phương để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; tăng cường công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai, trong đó quan tâm giải quyết dứt điểm tranh chấp, khiếu nại về đất đai giữa nông, lâm trường đối với người dân để giải quyết các vấn đề bức xúc xảy ra ở địa phương.

Chủ động quy hoạch, xây dựng các điểm dân cư tập trung, quy định định mức diện tích đất ở vùng nông thôn; có kế hoạch khắc phục tình trạng di cư tự phát, dân cư trú phân tán trên diện rộng trong diện tích đất do các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng quản lý, sử dụng. Thực hiện ngay việc bàn giao mốc giới, ranh giới và cho thuê đất đối với phần diện tích mà nông, lâm trường giữ lại để quản lý, sử dụng để không xảy ra tình trạng tái lấn chiếm, tranh chấp.

Chủ động đề xuất các giải pháp, phương án sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động, hiệu quả sử dụng đất nông, lâm nghiệp của các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng. Phê duyệt phương án sử dụng đất đai đối với từng nông, lâm trường tại địa phương..

Theo Chinhphu.vn

 

DỊCH VỤ LẬP DỰ ÁN Xem tất cả dự án