Trang trại chăn nuôi ba ba thương phẩm

Trang trại chăn nuôi ba ba thương phẩm

I.1. Sự cần thiết đầu tư dự án
Ba ba là một loại thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao. Trên thị trường giá 150.000-400.000 đồng/kg tùy theo khối lượng. Thị trường tiêu thụ ba ba rất lớn, nó được sử dụng làm thực phẩm, dược phẩm…và có giá trị xuất khẩu cao. Tiềm năng phát triển nghề nuôi ba ba thương phẩm là rất lớn, là đối tượng khá dễ nuôi, làm giàu cho người nông dân.

Nuôi ba ba hiện nay chủ yếu là hình thức nuôi trong từng gia đình, mỗi gia đình có từ một đến vài ao nuôi, có gia đình chuyên nuôi ba ba thịt, có gia đình chuyên sản xuất ba ba giống, có gia đình chỉ làm một công đoạn ương ba ba giống.Kể từ ngày nuôi ba ba đời sống của nhiều nông dân đã khá giả hơn trước. Nhiều gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Con ba ba đã trở thành con vật làm giàu của người dân các huyện xã.

Việc nuôi trồng ba ba thương phẩm tại Khu vực Đồng Gò, Thôn Hoàng, Xã Minh Tân, Huyện Vụ Bản, Tỉnh Nam Định- khu vực có vị trí địa lý thuận lợi về khí hậu, đất đai, nguồn nước… ngoài ra cần phải có kinh nghiệm và tay nghề kỹ thuật nuôi ba ba thương phẩm có chất lượng tốt thì lúc đó mới phát triển bền vững được.

I.2. Mục tiêu của dự án
Dự án Trang trại nuôi ba ba thương phẩm nhằm cung cấp một lượng lớn ba ba thương phẩm với chất lượng cao, giá thành thấp cho nhân dân tỉnh Nam Định và cả Việt Nam.
Vì vậy, để phát triển và đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, dự án cần thực hiện những mục tiêu sau:
- Tổ chức Dự án Trang trại nuôi Ba ba thương phẩm với tiêu chí "năng suất cao - chi phí thấp - phát triển bền vững".
- Nâng cao chất lượng thịt cho người tiêu dùng, giá thành sản phẩm thấp.
- Xây dựng mô hình nuôi trồng ba ba theo hướng chuyên nghiệp.
- Tạo mức thu nhập cho chủ dự án, cải thiện đời sống của người dân.

II. Giải pháp thực hiện dự án
II.1. Con giống

Để đáp ứng được nguồn cung sản phẩm chất lượng cao cho thị trường thì việc quan trọng của quá trình thực hiện dự án là lực chọn con giống. Ba ba giống phải có ngoại hình mập, da bóng, không bị sây sát hoặc dị hình. Ba ba khoẻ mạnh không bị nhiễm bệnh. Ba ba giống 4 tháng tuổi được thả với cùng cỡ tối thiểu đạt 100 g/con. Chọn ba ba khoẻ, khi lật ngửa nó tự lật sấp lại ngay, khi thả xuống đất Ba ba bò chậm, cổ rụt không hết, mắt có tinh thể màu đục, nếu khi thả Ba ba xuống ao không thấy nó chui xuống bùn, đó là dấu hiệu Ba ba kém chất lượng, không nên thả nuôi. Nên mua ba ba giống tại các trang trại nuôi ba ba giống có chất lượng tốt.Mùa vụ thả Ba ba giống từ tháng 2 đến tháng 3 hằng năm.

Tuỳ theo điều kiện cụ thể, có thể áp dụng thả với mật độ 0,5 - 1 con/m2, năng suất không cao nhưng phù hợp với điều kiện thực tế gia đình; thả 4-5 con/m2 đối với hình thức nuôi thâm canh.

II.2. Ao nuôi.
Ba ba là loài ưa tĩnh, chúng ta cần chọn vị trí nuôi yên tĩnh phù hợp với ba ba. Xung quanh ao nuôi có trồng cây ăn quả tạo sự râm mát cho ba ba có cảm giác an toàn. Chọn vị trí nuôi gần gần sông, suối, gần nguồn nước sạch có thể thay nước. Là những nơi an ninh tốt tránh mất trộm. Ao nuôi có hình chữ nhật. Kết cấu gồm : lòng ao, mặt nghiên, mặt đứng, bờ ao, cống cấp, thoát nước, có các công trình phụ kèm theo. Độ sâu mức nước ao từ 1,5 - 2 m, ao nên đổ cát mịn sạch có độ dầy cát 15 - 20 cm, đáy ao có độ nghiêng dần về cống thoát nước, cửa cống cấp và thoát nước có lưới sắt chắn.

Ao phải được tẩy dọn sạch sẽ, diệt hết mầm bệnh. Ðối với các ao, bể nuôi từ năm thứ 2 trở đi, việc tẩy ao trước khi thả giống càng phải được tiến hành chu đáo, nếu lớp cát đáy ao bẩn cần được thay lớp cát mới, sạch để đạt tỷ lệ sống và năng suất cao.

Thay nước khoảng 5 ngày/lần, mỗi lần thay khoảng 1/4-1/3 lượng nước trong ao. Khi thay nước nên cho chảy nhẹ nhàng không gây tiếng ồn sẽ làm Ba ba sợ và có thể bỏ ăn.

II.3. Nguồn thức ăn
Thức ăn nuôi Ba Ba có thể chia 3 loại chủ yếu:
- Thức ăn động vật tươi sống.
- Thức ăn động vật khô.
- Thức ăn chế biến hoặc thức ăn công nghiệp.
Cho đến hiện nay, phần lớn các hộ nuôi ba ba đều sử dụng thức ăn động vật tươi sống là chính, một số nơi có điều kiện cho ăn thêm thức ăn khô, nói chung chưa có điều kiện sử dụng thức ăn công nghiệp.

II.3.1. Thức ăn tươi sống
Gồm động vật còn nguyên con, còn sống hoặc đã chết nhưng thịt còn tươi. Không dùng thịt động vật đã bị ươn ôi và thịt động vật đã ướp mặn không có khả năng rửa sạch mặn. Các động vật, thịt động vật sử dụng làm thức ăn cho Ba Ba gồm:
Cá tươi: các tỉnh phía Bắc thường sử dụng cá mè trắng, cá tép dầu, cá mương, cá lành canh nước ngọt và các loài cá biển vụn. Các tỉnh phía Nam và vùng hồ chứa nước sử dụng nhiều cá Sơn, cá Linh, cá Chốt chuột, cá biển vụn...

Động vật nhuyễn thể: gồm các động vật nhuyễn thể nước ngọt (ốc vặn, ốc sên, ốc đồng, ốc nhồi, trai, hến) và các động vật nhuyễn thể như don, dắt...
Động vật giáp xác: chủ yếu là các loại tôm, cua rẻ tiền, cả ở nước ngọt và nước mặn.
Côn trùng: chủ yếu là giun đất, nhộng tằm. Giun đất có thể nuôi để cho ăn, có thể bắt giun tự nhiên (trong vườn, bãi ven sông...) cho ăn.
Động vật khác: thường là tận dụng thịt của các động vật rẻ tiền không thuộc diện dùng làm thực phẩm cho người, và thịt phế liệu của các xí nghiệp chế biến thực phẩm như cá, tôm, mực, gia súc, gia cầm...

II.3.2. Thức ăn khô
Một số nơi có điều kiện có thể sử dụng cá khô nhạt, tôm khô nhạt... loại rẻ tiền để cho ăn kèm thức ăn tươi hàng ngày hoặc dự trữ cho ăn khi thiếu thức ăn tươi.
Có thể luyện cho Ba ba ăn thức ăn nhân tạo trộn đều theo công thức:
+ Bột ngô…………20%
+ Cám gạo………...30%
+ Bột đậu tương…...20%
+ Bột cá nhạt………20%

II.3.3. Thức ăn công nghiệp
Nước ta chưa sản xuất thức ăn công nghiệp chuyên dùng cho Ba Ba. Trên thế giới, một số nước đã sử dụng khá phổ biến, hiệu quả kinh tế cao. Thành phần dinh dưỡng trong thức ăn rất toàn diện, đặc biệt hàm lượng đạm rất cao, thức ăn nuôi Ba Ba giống có hàm lượng đạm 50-55%, thức ăn nuôi Ba Ba thịt có hàm lượng đạm trên dưới 45%.

II.3.4. Cách cho ăn thức ăn tươi sống
- Cho ăn theo địa điểm qui định để Ba Ba quen ăn, dễ theo dõi thức ăn hàng ngày, dễ làm vệ sinh khu vực cho ăn.
- Động vật cỡ nhỏ Ba Ba ăn vừa miệng, có thể nuốt được cả con thì cho ăn cả con, động vật cỡ lớn cần băm thái thành nhiều miếng cho Ba Ba ăn đều.

Các phần cứng Ba Ba không ăn được như đầu cá, vây cá, vỏ động vật nhuyễn thể, xương động vật ... nên sử dụng chăn nuôi động vật trên bờ, không bỏ xuống ao làm tăng khả năng ô nhiễm nước ao.
- Rửa sạch thức ăn trước khi cho ăn.
- Lượng thức ăn cho ăn trong một ngày đêm: Ba Ba giống 10-12%, Ba Ba thịt 3-6% so với trọng lượng Ba Ba nuôi trong ao.
- Nên cho ăn nhiều loại thức ăn động vật để bổ sung dinh dưỡng cho nhau. Không nên chỉ cho ăn một thứ duy nhất vì chất dinh dưỡng sẽ không đầy đủ.
- Trong tất cả các giai đoạn ương nuôi, nếu có điều kiện cho Ba Ba ăn giun càng nhiều càng lớn nhanh và béo khoẻ.
- Các ao rộng nuôi Ba Ba với mật độ thưa có thể kết hợp nuôi ốc, nuôi cá tép nhỏ trong ao cho Ba Ba tự bắt ăn dần, không nhất thiết phải cho Ba Ba ăn hàng ngày. Dùng phân chuồng, phân xanh, phân vô cơ để gây nuôi động thực vật làm thức ăn cho ốc, cho cá tép nhỏ, hoặc có thể dùng các loại cám cho cá tép nhỏ ăn trực tiếp. Với cách nuôi này, năng suất Ba Ba nuôi tuy không cao, nhưng Ba Ba lớn nhanh, ít bệnh tật, chi phí thức ăn cho nuôi Ba Ba thấp, hiệu quả kinh tế cao.

II.4. Phòng và trị bệnh cho Ba ba
Ba ba thường bị các loại vi trùng, vi rút, ký sinh trùng cảm nhiễm gây bệnh, nhất là khi trên thân bị các vết thương hoặc môi trường, thời tiết không thuận lợi, dinh dưỡng không đủ, khả năng trao đổi chất kém

II.4.1. Bệnh đỏ cổ
-Triệu chứng: Cổ ba ba bị sưng, nhiều con bị nặng không thể rụt cổ vào được. Gan, tỳ phù thũng, mồm mũi chảy máu, 2 mắt mờ nhìn không rõ. Bệnh này rất nguy hiểm, truyền nhiễm rất nhanh, nguyên nhân do vi rút và nấm.
-Phòng trị: dùng tetraciline trộn thức ăn trong 3 ngày liên tục, ngày đầu cho 0,2g/kg thức ăn, 2 ngày sau giảm ½ lượng thuốc mỗi ngày, dùng nước thuốc rữa sạch, lau khô vết thương
* Cách ly ba ba bệnh. Dùng vôi tẩy ao, thay nước mới sạch

II. 4.2. Bệnh thủy mi (Do loại nấm thủy mi kí sinh)
Triệu chứng: Ba ba bị bệnh toàn thân một lớp lông như lông tơ. Bệnh này không làm cho ba ba chết ngay, nhưng vì kém ăn nên dần dần suy yếu, nhất là thời kỳ ngủ đông, có thể dẫn đến chết hàng loạt.
Phòng trị: Dùng 2g ngũ bọi tử đun lấy 1 chén nước, pha vào 1m3 nước bình thường, vẩy xuống ao để phòng bệnh cho ba ba. Dùng Formali nồng độ 100ppm hoặc dùng 0,004% sô đa để tẩy ao. Trộn thuốc kháng sinh vào thức ăn (theo như cách phòng trị bệnh đỏ cổ).

II.4.3. Bệnh đốm trắng
Bệnh do nấm gây ra, rất dễ cảm nhiễm khi ba ba bị thương do xây xát.
Triệu chứng: Bốn chân, diềm áo của ba ba có đốm lang trắng ngày một rộng ra, biểu bì bị hoại tử. Ba ba kém ăn, ngứa ngáy khó chịu bệnh này ít gây chết.Bệnh này thường gặp quanh năm, nhưng nhiều nhất vào tháng 5 - 7.
Phòng trị: Dùng vôi tẩy ao triệt để. Cách ly con bệnh. Dùng thuốc mỡ Xanhmalachit hoặc Tetracylin bôi lên chỗ bệnh. khi vận chuyển, thả bắt ba ba phải nhẹ nhàng, đừng để chúng bị xây xát.

II.4.4. Bệnh lở cổ
Bệnh này do vi rút và nấm gây ra.
Triệu chứng: Cổ sưng phù, có vết lở ở cổ. Ba ba kém ăn, cổ không thể cử động, toàn thân hoạt động chậm chạp. Nếu không điều trị kịp thời, vài ngày sau có thể chết. Bệnh này thường xảy ra quanh năm.
Phòng trị: Dùng nước muối nồng độ 5% tắm cho ba ba độ 1 giờ, sau đó dùng thuốc tím (KMnO4) bôi lên, liên tục điều trị 3 - 4 ngày, hiệu quả khá rõ. hoặc dùng Oxytetracylin bôi lên chỗ bị bệnh cũng trị được bệnh.

II.4.5. Bệnh ngộ độc do nước bẩn
Do nước ao tù bẩn lâu ngày, sinh ra các chất khí độc (NH3, H2S, CO2...) với nồng độ cao, gây ngộ độc.
Triệu chứng: chân trước, chân sau, bụng, cổ bị xung huyết sưng đỏ, bị rữa nát nếu đau nặng; diềm mai bị rách hình răng cưa.
Phòng trị: thay nước luôn, khử trùng đáy ao trước khi qua mùa đông.

III.Giải pháp thiết kế mặt bằng
III.1. Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của dự án

 Chỉ tiêu sử dụng đất
Diện tích đất xây dựng :9000 m2
 Chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật
- Hàng rào : 420 m
- Ao nuôi :
+ Ao nuôi : 2296 m2
+ Ao nuôi : 2240 m2
+ Ao nuôi : 2240 m2
+ Ao xử lý nước : 1120 m2
- Khoảng cách giữa các ao : 2 m
- Đất lưu không : 3 m
- Kênh dẫn và thoát nước : 15 m
- Nhà bảo vệ : 8 m2
- Nhà dự trữ thức ăn : 6 m2

III.2. Giải pháp quy hoạch
Tổ chức một trang trại nuôi ba ba thương phẩm theo đúng tiêu chuẩn về công năng sử dụng, có tính thẩm mỹ, kinh tế và bảo đảm có một môi trường kinh doanh tốt, trong lành, sạch sẽ, thoáng mát và đặc biệt trong vấn đề cam kết bảo vệ môi trường.
Thiết kế ao nuôi ba ba được phối hợp các bộ phận kết cấu thành một hệ thống hoàn chỉnh bao gồm:
- Hệ thống ao nuôi: bao gồm 3 ao với kết cấu gồm 3 phần: Đáy ao, mặt đứng ( 0.5m) và mặt nghiêng( 1.5m).
- Nhà dự trữ thức ăn: Chứa thức ăn các loại và dụng cụ chế biến thức ăn tinh và thức ăn thô, máy trộn, máy xay, các dụng cụ dùng trong chăm sóc và thu hoạch ba ba.
- Hệ thống cấp nước: Nguồn nước, bơm, bể lắng, ống nước, hệ thống xử lý nước.
- Nhà bảo vệ: Chỗ làm việc, ngủ nghỉ của nhân công.
- Lối đi và đất không lưu rộng rãi, thoải mái cho việc đi lại thuận tiện cho việc trông nom chăm sóc ba ba.
- Kết cấu mặt đường được trồng cây xanh chủ yếu là cây ăn quả nhằm tạo bóng mát thuận tiện cho đời sống và sự tăng trưởng của ba ba.

III.3. Giải pháp kỹ thuật
 Hệ thống điện:
Hệ thống chiếu sáng được kết hợp giữa chiếu sáng nhân tạo và chiếu sáng tự nhiên.
Hệ thống chiếu sáng được bố trí hệ thống đèn đầy đủ, phù hợp bảo đảm an ninh cho công trình vào ban đêm.
 Hệ thống cấp thoát nước:
Hệ thống cấp thoát nước được thiết kế đảm bảo yêu cầu sử dụng nước:
+ Nước sinh hoạt.
+ Nước cho hệ thống chữa cháy.
+ Nước dung cho ao nuôi ba ba.

IV. Phân tích tài chính

 

Bảng Tổng mức đầu tư

HẠNG MỤC
GT
TRƯỚC THUẾ
VAT
GT
SAU THUẾ
Chi phí xây dựng
289,500
28,950
318,450
Chi phí Thiết bị
-
-
-
Chi phí bảo hiểm xây dựng
4,343
434
4,777
Chi phí dự phòng=ΣGcp*10%
29,384
2,938
32,323
TỔNG CỘNG NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ
323,227
32,323
355,549

TT
Chỉ tiêu
-
1
Tổng mức đầu tư
444,924,000 đồng
2
Giá trị hiện tại thuần NPV
1,515,702,000 đồng
3
Tỷ số lợi ích chi phí(B/C)
1,88
-
Đánh giá
Hiệu quả

Vòng đời hoạt động của dự án là 10 năm tính cả năm xây dựng
Dòng tiền thu vào bao gồm: tổng doanh thu hằng năm từ ba ba thương phẩm loại 1.
Dòng tiền chi ra gồm: các khoản chi đầu tư ban đầu như xây dựng, mua sắm thiết bị; chi phí hoạt động hằng năm; chênh lệch khoản phải trả và chênh lệch quỹ mặt.
Dựa vào kết quả ngân lưu vào và ngân lưu ra, ta tính được các chỉ số tài chính, và kết quả cho thấy:
Hiện giá thu nhập thuần của dự án là: NPV = 1,515,702,000 đồng > 0
Tỷ số lợi ích chi phí B/C là 1,88 có nghĩa là tỷ lệ giá trị hiện tại của dòng thu gấp 1,88 lần so với tỉ lệ giá trị hiện tại của dòng chi.
Qua quá trình hoạch định, phân tích và tính toán các chỉ số tài chính trên cho thấy dự án mang lại lợi nhuận cao cho chủ đầu tư.

 

 

DỊCH VỤ LẬP DỰ ÁN Xem tất cả dự án