Thẩm định quy hoạch vùng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050

Thẩm định quy hoạch vùng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050

  Ngày 14/6, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh đã chủ trì Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng tỉnh (QHVT) Lâm Đồng đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050. Tham dự Hội đồng thẩm định còn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S.

Tỉnh Lâm Đồng nằm ở Nam Tây Nguyên, có độ cao trung bình từ 800 - 1000m so với mặt nước biển, có tổng diện tích 9.783,34km2, quy mô dân số xấp xỉ 1,3 triệu người, mật độ dân số 130 người/km2, tỷ lệ đô thị hóa 38,7%. Lâm Đồng bao gồm TP Đà Lạt, TP Bảo Lộc và 10 huyện.
Phân tích điểm mạnh và yếu trong phát triển Lâm Đồng, Viện Quy hoạch Xây dựng miền Nam – tư vấn đồ án nhận định: Lâm Đồng có nguồn tài nguyên tự nhiên, bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng; cảnh quan tự nhiện độc đáo, đặc trưng; thuận lợi về nguồn nước; có điều kiện phù hợp phát triển các trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục; tỷ lệ che phủ rừng tương đối cao.
Sở hữu hệ thống đường giao thông phát triển mạnh mẽ, gồm các tuyến QL20, QL27, QL28, Lâm Đồng được kết nối thuận lợi với các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ, vùng TP Hồ Chí Minh, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Cảng hàng không Liên Khương nằm cách trung tâm TP Đà Lạt 30km đang được nâng cấp thành sân bay quốc tế, hứa hẹn mang lại nhiều động lực phát triển cho tỉnh Lâm Đồng.

Phát huy các lợi thế tự nhiên, Lâm Đồng đã phát triển mạnh lĩnh vực nông nghiệp và du lịch. Hiện tỉnh đang dẫn đầu cả nước về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Công nghiệp chế biến và ngành du lịch có bước tăng trưởng khá.

Bên cạnh những điểm mạnh nói trên, Lâm Đồng cũng tồn tại nhiều điểm yếu. Do nằm cách xa trục xuyên Á, cảng biển và không có đường sắt nên Lâm Đồng ít thuận lợi trong thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp, thương mại dịch vụ.

Địa hình đồi núi đa dạng, phức tạp, chia cắt mạnh gây trở ngại cho giao lưu kinh tế, ít có quỹ đất phát triển đô thị, gia tăng chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật…


Cấu trúc không gian vùng tỉnh Lâm Đồng.

Đồ án QHVT Lâm Đồng đã phân tích 3 kịch bản phân vùng phát triển và đề xuất lựa chọn phương án phân vùng theo cực phát triển kinh tế. Cụ thể, phân vùng phát triển Lâm Đồng sẽ bao gồm 3 tiểu vùng. Tiểu vùng 1, gồm TP Đà Lạt và vùng phụ cận, là vùng phát triển kinh tế động lực của tỉnh. Trong đó, TP Đà Lạt vừa là đô thị trung tâm vùng tỉnh Lâm Đồng, vừa là trung tâm du lịch cấp quốc gia và trung tâm chuyên ngành cấp vùng Tây Nguyên.

Tiểu vùng 1 tập trung phát triển các vùng đô thị động lực phát triển kinh tế như đô thị Đà Lạt, Liên Khương – Liên Nghĩa, Finôm – Thạch Mỹ, Lạc Dương, Nam Ban, Đ’ran, Đại Ninh… thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp cao, khu thương mại, trung tâm triển lãm, khu nông nghiệp công nghệ cao.

Tiểu vùng 1 đồng thời phát triển du lịch, công nghiệp – dịch vụ, nghiên cứu khoa học và giáo dục - đào tạo, nông nghiệp sạch và phát triển mạng lưới không gian xanh.

Tiểu vùng 2 là vùng đệm sinh thái, nằm giữa vùng 1 và vùng 3, gồm huyện Di Linh, Đam Rông, phía Tây huyện Lâm Hà, trong đó thị trấn Di Linh là trung tâm tiểu vùng. Tiểu vùng 2 tập trung phát triển vùng đô thị dọc QL20, phía Bắc QL 27, nông nghiệp, thương mại dịch vụ, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, du lịch và du lịch sinh thái.

Tiểu vùng 3 là vùng động lực kinh tế phía Tây Nam tỉnh Lâm Đồng, bao gồm TP Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, trong đó TP Bảo Lộc và vùng phụ cận là trung tâm tiểu vùng, phát triển tiệm cận tiêu chuẩn đô thị loại I.

Tiểu vùng 3 tập trung phát triển vùng đô thị động lực Bảo Lộc - Lộc Thắng, vùng đô thị phía Tây QL20, tỉnh lộ 721; phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng, dịch vụ du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch sinh thái rừng và phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao…

Đồ án QHVT Lâm Đồng định hướng phân bố hệ thống đô thị đến năm 2025, toàn tỉnh có 18 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại II, 6 đô thị loại IV, 10 đô thị loại V. Đến năm 2035, toàn tỉnh có có 18 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại II, 2 đô thị loại III, 6 đô thị loại IV, 8 đô thị loại V, đồng thời phát triển 2 thị tứ đạt tiêu chuẩn đô thị loại V (là thị tứ Lộc Phú, huyện Bảo Lâm và thị tứ Tân Hà, huyện Lâm Hà)

Sau khi nghe đại diện đơn vị tư vấn trình bày báo cáo thuyết minh đồ án, các thành viên Hội đồng thẩm định Bộ Xây dựng đã đưa ra những nhận xét, góp ý nhằm hoàn thiện đồ án.

Theo Hội đồng, báo cáo thuyết minh đã thể hiện đủ nội dung cần thiết, dữ liệu hiện trạng khá đầy đủ và được tổng hợp theo từng lĩnh vực. QHVT xác định mục tiêu, tính chất của từng vùng từ đó phân tích, dự báo chỉ tiêu phát triển, lựa chọn một số mô hình phát triển và đưa ra các định hướng phân vùng không gian, có định hướng về hạ tầng kỹ thuật, đánh giá môi trường chiến lược.

Tuy nhiên, đồ án cũng có những tồn tại, hạn chế cần xem xét, hoàn thiện, đặc biệt là những dự báo về dân số, sử dụng đất, tỷ lệ đô thị hóa. Đơn vị tư vấn cần phân tích định hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng tỉnh Lâm Đồng, đồng thời xem xét bổ sung các tuyến giao thông du lịch nội tỉnh và liên vùng.


Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh đề nghị đồ án sung thêm các nội dung về quy hoạch phát triển khu vực nông nghiệp, phát triển làng đô thị, huyện nông thôn mới.

Kết luận cuộc họp thẩm định, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh đánh giá đơn vị tư vấn đã thực hiện đầy đủ những yêu cầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, có phân tích bối cảnh quan hệ nội, ngoại vùng tác động lên vùng tỉnh Lâm Đồng.

Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh chỉ đạo, trên cơ sở dữ liệu về hiện trạng đã thu thập được, đơn vị tư vấn cần tiến hành phân tích, đánh giá đầy đủ hơn để đồ án tăng thêm tính thuyết phục, đồng thời bổ sung thêm các nội dung về quy hoạch phát triển khu vực nông thôn của Lâm Đồng, các nội dung về phát triển làng đô thị, huyện nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa ở Lâm Đồng, đồng thời chú ý các vấn đề phát triển hạ tầng kỹ thuật, giao thông, chương trình cung cấp nước sạch nông thôn.

Theo baoxaydung 

 

DỊCH VỤ LẬP DỰ ÁN Xem tất cả dự án