Dự án đầu tư Chuyển đổi sản xuất lúa theo hướng hữu cơ organic của Hợp tác xã Nông nghiệp - tỉnh Vĩnh Long

Dự án đầu tư Chuyển đổi sản xuất lúa theo hướng hữu cơ organic của Hợp tác xã Nông nghiệp - tỉnh Vĩnh Long

 Những hậu quả của việc lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp đã lộ rõ nhiều bất cập như: đất đai bạc màu, sâu bệnh càng tiến hóa để thích ứng và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người,… thời gian gần đây các nước trên thế giới đều hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ, trong đó có Việt Nam. Xu hướng này được nhà nước rất chú trọng và khuyến khích.

Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là mối quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển. Vệ sinh an toàn thực phẩm không những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống mà còn quyết định uy tín của thương hiệu sản phẩm thực phẩm. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của một loại thực phẩm được quyết định bởi tất cả các công đoạn mà công đoạn đầu tiên là sản xuất, tiếp đến là chế biến, bảo quản, lưu thông đến tay người tiêu dùng.
Hiện nay, thực phẩm sạch được người dân đặc biệt chú ý quan tâm, vì nó liên quan đến sức khoẻ con người. Vấn đề tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và hoá chất trong rau còn cao, đang là mối lo chung của toàn xã hội. Tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều quá mức cần thiết vẫn còn xảy ra thường xuyên tại một số địa phương, ảnh hưởng lâu dài tới môi trường sống, nguồn nước ngầm và đất đai.
Trong những thập kỷ gần đây, nông nghiệp Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được những thành tựu đáng kể về năng suất, sản lượng, chủng loại và quy mô sản xuất…; đã tạo ra một khối lượng sản phẩm rất lớn đảm bảo tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, nông nghiệp nước ta nói chung và Vĩnh Long nói riêng đang đứng trước những thách thức không nhỏ đó là: vấn đề ô nhiễm môi trường, đất đai bạc màu, suy giảm đa dạng sinh học, ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật ở người, bùng phát sâu bệnh do sự phá huỷ hệ sinh thái xuất phát từ việc lạm dụng hóa chất.
Để khắc phục những nhược điểm trên, nông nghiệp nước ta đang từng bước chuyển dịch sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ. Trên thị trường, người dân đã biết đến và đang làm quen dần với các sản phẩm nông sản sạch như: rau sạch, rau an toàn và một số hoa quả, thực phẩm an toàn.
Nông nghiệp hữu cơ là một hình thức canh tác nông nghiệp tránh hoặc loại bỏ phần lớn việc sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, các chất điều tiết tăng trưởng của cây trồng,… Nông nghiệp hữu cơ chính là giải pháp lớn để hướng tới nền sản xuất nông nghiệp sạch.
Mục đích hàng đầu của nông nghiệp hữu cơ là tối đa hóa sức khỏe và năng suất của các cộng đồng độc lập về đời sống đất đai, cây trồng, vật nuôi và con người.
Theo tổ chức nông nghiệp hữu cơ quốc tế IFOAM (tổ chức thế giới về nông nghiệp hữu cơ): “Vai trò của nông nghiệp hữu cơ, dù cho trong canh tác, chế biến, phân phối hay tiêu dùng, là nhằm mục đích duy trì sức khỏe của hệ sinh thái và các sinh vật từ các sinh vật có kích thước nhỏ nhất sống trong đất đến con người.”
Nhìn chung, canh tác hữu cơ sẽ cải thiện và duy trì hệ sinh thái nông nghiệp, tránh việc khai thác quá mức và gây ô nhiễm cho các nguồn lực tự nhiên, giảm thiểu việc sử dụng năng lượng và các nguồn lực không thể tái sinh, sản xuất đủ lương thực có dinh dưỡng, không độc hại, và có chất lượng cao,… Ngoài ra, còn đảm bảo, duy trì và gia tăng độ màu mỡ lâu dài cho đất, củng cố các chu kỳ sinh học trong nông trại, đặc biệt là các chu trình dinh dưỡng, bảo vệ cây trồng dựa trên việc phòng ngừa thay cho cứu chữa, đa dạng các mùa vụ phù hợp với điều kiện địa phương.
I. Mục tiêu dự án.
1. Mục tiêu chung.
  • Xây dựng vùng sản xuất lúa hữu cơ – organic chất lượng cao thuộc vùng nguyên liệu của HTX Nông nghiệp và Xây dựng Vĩnh Long, nhằm tạo bước đột phá về phương thức và kỹ thuật trong sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả và giá trị sản phẩm, tăng năng suất và sản và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu vào các thị trường khó tính. Xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả để phát triển, nhân rộng đưa sản xuất nông nghiệp hữu cơ phát triển theo hướng hàng hóa có tính cạnh tranh cao.
  • Nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích, chuyển dịch cơ cấu cây trồng tạo ra những sản phẩm chất lượng có giá trị kinh tế cao, từng bước áp dụng công nghệ hữu cơ trên diện tích của các thành viên Hợp tác xã.
  • Chủ động kiểm soát và khống chế được sâu bệnh, giảm đến mức thấp nhất tác hại do sâu bệnh gây ra. Kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường gây ra trong quá trình sản xuất, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
2. Mục tiêu cụ thể.
  • Quy hoạch phát triển theo hướng hiện đại hóa trên cơ sở đẩy mạnh tổ chức vùng sản xuất theo công nghệ hữu cơ, mang tính hàng hóa tập trung gắn với chế biến và ứng dụng khoa học công nghệ; quản lý sản xuất theo quy hoạch, chủ động điều chỉnh thời vụ, luân canh chuyển đổi giống lúa phù hợp với địa phương và yêu cầu của thị trường.
  • Đầu tư thâm canh cho sản xuất lúa hữu cơ, theo quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao của tỉnh Vĩnh Long. Phấn đấu đến năm 2020 diện tích chuyển đổi sản xuất lúa hữu cơ của HTX là 5.000 ha. Sản lượng lúa sản xuất theo công nghệ hữu cơ đạt khoảng 47.000 – 48.000 tấn/năm, năng suất bình quân đạt từ 4,5 – 5 tấn/ha/vụ.
  • Vùng sản xuất được thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật từ áp dụng lịch thời vụ, cơ cấu giống lúa, chăm sóc, quản lý dịch hại tổng hợp,… kỹ thuật canh tác hiệu quả, an toàn và bền vững.
  • Góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên của hợp tác xã, nâng cao đời sống và ổn định xã hội trong vùng thực hiện dự án.
II. Quy mô đầu tư của dự án.
Quy mô chuyển đổi sản xuất lúa hữu cơ organic của dự án là: 5.000 ha. Với tiến độ chuyển đổi, cụ thể như sau:
  • Năm thứ 1: 500 ha
  • Năm thứ 2: 2.500 ha.
  • Năm thứ 3 trở đi ổn định sản xuất là: 5.000 ha.
III. Tổng mức đầu tư.
IV. Hiệu quả của dự án.
  • Lợi nhuận trước thuế đạt: 18.354.900.000 đồng.
  • Thuế thu nhập (10% đối với HTX): 1.835.490.000 đồng.
  • Lợi nhuận sau thuế đạt: 16.519.410.000 đồng.
  • Tỷ lệ lợi ích/chi phi – B/C: = 1,93 > 1 cho thấy dự án có hiệu quả.
 

DỊCH VỤ LẬP DỰ ÁN Xem tất cả dự án